Dự án cao tốc Nha Trang- Cam Lâm đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa là dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc- Nam phía Đông đang đối mặt nguy cơ chậm tiến độ. Nguyên nhân do thiếu hơn 80% vật liệu san lấp.
Sau khi nhận mặt bằng, từ tháng 6, các nhà thầu dự án cao tốc Nha Trang- Cam Lâm bắt đầu triển khai 5 mũi thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Tuy nhiên, do thiếu vật liệu san đắp nền đường nên 3 mũi thi công đã tạm dừng.
Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang– Cam Lâm cho biết, các mỏ cung cấp đất đắp nền không cung ứng đủ nhu cầu dự án. Đoạn tuyến này cần đến hơn 5,5 triệu m3 nhưng trước mắt các mỏ chỉ đáp ứng chưa tới 1 triệu khối. Nguyên nhân, một số mỏ trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép khai thác, một số mỏ chưa được bổ sung quy hoạch, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
“Các mỏ đã được cấp phép về cơ bản đã khai thác gần hết, nếu tận thu lại để đắp các dự án thì chất lượng đất cũng không đảm bảo. Khối lượng đất có trong báo cáo là đủ nhưng thực tế chất lượng đất để tận thu lại và dùng đắp đường cao tốc chỉ còn rất ít vì đất bị phong hóa phía trên vừa có đá lẫn đá cuội nên không đạt tiêu chuẩn”, ông Nguyễn Văn Huy nói.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục công trình, nhất là trong giai đoạn mưa lũ đang đến gần, nhà đầu tư xin phép lập phương án cải tạo đất tại 5 vị trí đồi lân cận tuyến với lượng đất cải tạo dôi dư khoảng hơn 1 triệu m3. Các vị trí đề xuất này đều có hiện trạng là đất rừng sản xuất, đất sỏi, khô cằn, bạc màu, quy hoạch sử dụng đến năm 2020 là đất rừng sản xuất.
Ông Bùi Minh Sơn, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đề nghị tỉnh này vận dụng cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho nhà đầu tư có đất san lấp.
“Đất san lấp này chỉ cung cấp cho đường cao tốc, làm xong cao tốc là kết thúc. Nếu tỉnh tạo cơ chế đặc thù và bỏ nhiều khâu về mặt thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Cần xác định khối lượng đất, cho phép doanh nghiệp đăng ký khai thác, khối lượng phục hồi môi trường, bảo vệ môi trường, đóng các loại phí theo quy định. Qua đó tỉnh vẫn kiểm soát được khối lượng khoáng sản để bớt công tác thăm dò nhưng vẫn quản lý được khoáng sản”, ông Sơn đề xuất.
Hiện UBND tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý chủ trương cho phép nhà đầu tư được lập phương án đào múc đất tạo mặt bằng tại 5 vị trí. Nhà đầu tư khẩn trương xây dựng phương án cụ thể về trữ lượng khai thác đối với từng vị trí, diện tích tận thu, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong quá trình khai thác, vận chuyển vật liệu; ký quỹ tận thu và quỹ bảo trì, duy tu đường giao thông, khôi phục cảnh quan, môi trường sau khi tận thu…
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh sẽ cấp phép, giao cho các nhà thầu trúng, tuyệt đối không được giao các mỏ đất cho tư nhân vì làm như thế sẽ đội giá thành lên. “Tỉnh sẽ rà soát lại quỹ đất, trữ lượng còn nằm trong quy hoạch sẽ tiếp tục khai thác. Nếu quỹ có trữ lượng nhưng nằm ngoài quy hoạch phải được HĐND tỉnh thống nhất thông qua, bổ sung vào quy hoạch để khai thác vật liệu”, ông Tuân nêu rõ.
Dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm dài hơn 49km, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Giai đoạn 1, nền đường rộng 17m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, do Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang- Cam Lâm, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải làm chủ đầu tư,thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng.
Toàn dự án tổng vốn mức đầu tư khoảng 5.500 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động hơn 2.500 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng gần 3.000 tỷ đồng
Thanh Lâm (VOV)