Chi phí làm sổ đỏ là một trong các vấn đề được nhiều người dân quan tâm khi đề nghị cấp sổ đỏ. Vậy, năm 2021, chi phí làm sổ đỏ có tăng lên không?

Các loại chi phí làm sổ đỏ năm 2021


Khoản 3 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật”.

Theo khoản 1 Điều 63 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, nghĩa vụ tài chính gồm: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan đến đất đai và lệ phí trước bạ; nghĩa vụ tài chính do cơ quan thuế xác định.

Lưu ý: Trường hợp được miễn, được ghi nợ nghĩa vụ tài chính và trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì được nhận Giấy chứng nhận (sổ đỏ) ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền cấp.

Mua Bán Bất Động Sản
Năm 2021, người dân đề nghị cấp sổ đỏ cần phải nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, phí thẩm định, đo đạc… Ảnh minh họa

1. Lệ phí trước bạ khi làm sổ đỏ

Theo Điều 5 Nghị định 140/2016/NĐ-CP lệ phí trước bạ khi làm sổ đỏ được tính như sau:

Lệ phí trước bạ phải nộp = (Giá đất tại Bảng giá đất x Diện tích) x 0.5%

Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.

Diện tích đất chịu lệ phí trước bạ là toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân do Văn phòng đăng ký QSDĐ xác định và cung cấp cho cơ quan Thuế.

2. Tiền sử dụng đất

Ngoài ra, khi làm sổ đỏ, người có yêu cầu thuộc một số trường hợp sau thì phải nộp tiền sử dụng đất.

Trường hợp 1, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Hộ gia đình, cá nhân được cấp sổ đỏ và phải nộp tiền sử dụng đất khi có đủ 02 điều kiện sau:

– Đang sử dụng đất không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai.

– Nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Sổ.

Tiền sử dụng đất phải nộp khi làm giấy QSDĐ áp dụng với trường hợp 1 được hướng dẫn tại đây.

Trường hợp 2, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến ngày 1/7/2014 khi được cấp Sổ đỏ mà chưa nộp tiền sử dụng đất thì phải thực hiện nộp tiền.

Cụ thể:

– Hộ gia đình, cá nhân được giao đất làm nhà ở (giao đất mới) từ ngày 15/10/1993 – 1/7/2004, nếu được cấp Sổ mà chưa nộp tiền thì phải nộp với mức tiền như sau:

  • Nộp 50% tiền sử dụng đất theo giá đất ở tại thời điểm nộp hồ sơ xin cấp Sổ theo giá đất tại Bảng giá đất.
  • Nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất ở tại thời điểm nộp hồ sơ xin cấp Sổ theo giá đất cụ thể.

– Hộ gia đình, cá nhân được cơ quan nhà nước giao đất làm nhà ở (giao đất mới) từ sau ngày 01/7/2004 đến trước ngày 01/7/2014, nếu được cấp Sổ mà chưa nộp tiền sử dụng đất thì phải nộp với mức tiền như sau:

  • Nếu tiền sử dụng đất phải nộp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định và thông báo và phù hợp với quy định thì được tiếp tục nộp tiền sử dụng đất theo mức đã được thông báo và phải nộp tiền chậm nộp.
  • Nếu tiền sử dụng đất phải nộp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định và thông báo, nhưng chưa phù hợp với quy định của pháp luật thì nộp theo xác định của cơ quan thuế…

Theo Thông tư 250/2016/TT-BTC, lệ phí cấp Sổ đỏ thực hiện theo mức thu do HĐND cấp tỉnh quyết định.

Ngoài các khoản tiền phải nộp trên, khi xin cấp sổ đỏ, người có yêu cầu phải nộp các khoản phí khác như: Phí đo đạc, phí thẩm định thửa đất… mức thu tùy theo quy định cụ thể của từng địa phương.

Như vậy, khung giá đất, bảng giá đất tăng cũng khiến nhiều phí, lệ phí liên quan đến bất động sản tăng theo từ đó phí làm sổ đỏ cũng tăng.

Sổ đỏ Nhà Đất
Khi khung giá đất, bảng giá đất tăng cũng khiến nhiều phí, lệ phí liên quan đến bất động sản tăng theo từ đó phí làm sổ đỏ cũng tăng.

Hồ sơ đăng ký, cấp sổ đỏ gồm những gì?

Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu gồm có:

  • Đơn theo Mẫu số 04a/ĐK;
  • Trường hợp đăng ký quyền sử dụng đất: Phải có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
  • Trường hợp đăng ký quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Phải có một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, cụ thể:
  • Đối với nhà ở
  • Đối với công trình xây dựng khác không phải là nhà ở

Trường hợp đăng ký về quyền sở hữu nhà ở hoặc công trình xây dựng thì phải có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đã có sơ đồ phù hợp với hiện trạng nhà ở, công trình đã xây dựng).

  • Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

Lưu ý:

  • Đối với tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất từ trước ngày 01/7/2004 đề nghị cấp Giấy chứng nhận phải có Báo cáo kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất theo Mẫu số 08/ĐK.
  • Trường hợp có đăng ký quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề (như quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề) phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận hoặc quyết định của Tòa án nhân dân về việc xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề, kèm theo sơ đồ thể hiện vị trí, kích thước phần diện tích thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.

Khung giá mới được áp dụng trong giai đoạn 2020 – 2024 tăng 20% so với bảng giá cho giai đoạn 5 năm trước, cụ thể như sau:

Vùng trung du và miền núi phía Bắc: giá đất đô thị từ loại I đến loại V có mức tối đa là 65 triệu đồng/m2, tối thiểu là 50 nghìn đồng/m2

Vùng đồng bằng sông Hồng: đất đô thị từ loại I đến loại V có mức tối đa là 162 triệu đồng/m2, tối thiểu là 120 nghìn đồng/m2

Vùng Bắc Trung bộ: khung giá tối đa là 65 triệu đồng/m2 và tối thiểu là 40 nghìn đồng/m2

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ: mức tối đa là 76 triệu đồng/m2, tối thiểu 50 nghìn đồng/m2

Vùng Tây Nguyên: giá đất đô thị tối đa là 48 triệu đồng/m2, tối thiểu là 50 nghìn đồng/m2

Vùng Đông Nam bộ: đất đô thị từ loại I đến loại V có mức giá tối đa là 162 triệu đồng, tối thiểu là 120 nghìn đồng

Vùng đồng bằng sông Cửu Long: giá đất đô thị từ loại I đến loại V, có giá tối thiểu 50 nghìn đồng/m2, tối đa 65 triệu đồng/m2